Trang chủ Trang chủ

Thủ phạm gây dịch nôn ở trẻ em gần đây là gì?

04/12/2023
1827
Bệnh viện Nhi Trung ương đã cung cấp thông tin về virus đang gây “dịch nôn” ở trẻ em khu vực Hà Nội và lân cận. Đó là Norovirus [nô rô vi rút].
  1. Thủ phạm gây dịch nôn Norovirus

Norovirus là nhóm vi-rút gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Norovirus thường được gọi bằng những tên khác như vi-rút viêm dạ dày-ruột, viêm dạ dày và ngộ độc thực phẩm. Norovirus, nghe thì lạ tai, nhưng thực ra là virus gây viêm dạ dày ruột (gastro-enteritis) hàng đầu THẾ GIỚI. Tức là về độ phổ biến thì rota thứ hai noro thứ nhất. Khi mới được ghi nhận, norovirus gây ra các “dịch nôn mùa đông” ở Mỹ do đặc điểm mùa và đặc trưng của bệnh: NÔN LIÊN TỤC. Ở Mỹ, mỗi năm có gần nửa triệu trẻ phải đi cấp cứu vì con virus này.

  1. Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng thường bắt đầu 1 đến 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi-rút, nhưng có thể xuất hiện sớm hơn 12 giờ sau khi tiếp xúc. Triệu chứng thông thường bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, và đau bụng. Đôi khi người bệnh có thể sốt nhẹ, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ và mệt mỏi. Bệnh có thể đến bất chợt, và có thể nhiễm vi-rút này nhiều lần. Đôi khi người nhiễm norovirus không có triệu chứng bệnh, nhưng có thể truyền bệnh cho người khác.

Bệnh từ 2 – 3 ngày sẽ giảm và hồi phục nhanh nếu không có biến chứng mất nước. Nên thường nhập viện bù dịch rồi một, hai hôm là ra viện.

  1. Nguồn lây Norovirus

- Hàng đầu: lây qua tiếp xúc (phân – miệng), tay sờ soạng rồi đưa lên miệng…

- Ngoài ra, còn lây qua giọt bắn của dịch nôn, tức là khi có trẻ bệnh nôn, văng ra giọt dịch chứa mầm bệnh, dây vào tay chân quần áo rau củ quả…

Norovirus hay gây dịch nhỏ ở các nhà trẻ, trường học và bệnh viện.

  1. Điều trị bệnh

- Vì nôn nhiều, nôn liên tục sẽ dẫn đến mất nước, phương pháp điều trị duy nhất là cho trẻ ĐI KHÁM NGAY để loại trừ các bệnh khác và nhập viện nếu có mất nước mà không uống được. Và khám ở bệnh viện, cơ sở y tế nào cũng được, miễn là có khoa Nhi hoặc Cấp cứu.

- Trong khi chờ đến bệnh viện, bố mẹ hãy bù nước cho trẻ để tránh bị mất nước, tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol).

- Không tự ý sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy, kháng sinh.

- Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh.

      5. Dự phòng bệnh do Norovirus

- Vệ sinh tay: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đảm bảo việc rửa tay thường xuyên hơn khi trong gia đình có người bệnh

- Lau, sát trùng bề mặt, phòng ốc. Làm vệ sinh và khử trùng bề mặt ngay sau khi có nôn mửa hoặc tiêu chảy.

- Chưa có vắc xin phòng bệnh. Cho trẻ ốm nghỉ học đến ít nhất 2-3 ngày sau khi hết triệu chứng, để tránh lây lan thành dịch.

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 49 đánh giá
Chia sẻ: