Trang chủ hoạt động Chăm sóc - sức khỏe - nuôi dưỡng

Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở trẻ giai đoạn giãn cách

27/05/2022
1172
Khẩu phần ăn tăng cường đạm, béo, đồ ngọt cùng thói quen ít vận động khiến trẻ có xu hướng tăng cân nhanh, nhất là sau giai đoạn giãn cách kéo dài.

 

Zalo

Bồi bổ bằng cách tăng cường đạm: Để giúp con khỏe mạnh, đủ sức chống lại Covid-19, phụ huynh có xu hướng để con ăn thêm thịt, trứng... Theo Viện Dinh dưỡng, đây là những loại thực phẩm cung cấp chất đạm cần thiết cho trẻ, nhưng không nên tiêu thụ quá mức. Điều này không chỉ gây thừa cân - béo phì mà còn làm rối loạn mỡ máu, huyết áp… Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần cân đối theo tỷ lệ 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong bữa ăn hàng ngày.

 

Zalo

Chế độ dinh dưỡng mất cân đối: Theo Viện Dinh dưỡng, tăng cường rau, quả là biện pháp phòng chống thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm. Trẻ có tâm lý ngại ăn rau, lười ăn trái cây dẫn đến thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Việc uống nhiều sữa giàu năng lượng cũng có thể khiến con gặp tình trạng dư thừa năng lượng dẫn đến thừa cân. Nếu thấy con có dấu hiệu tăng cân, cha mẹ nên cân bằng lượng dinh dưỡng, điều chỉnh khẩu phần sữa hoặc chọn sản phẩm phù hợp.

 

Zalo

Nạp nhiều nước ngọt có gas: Trong giai đoạn giãn cách, cha mẹ thường có tâm lý thả lỏng để con nạp đồ uống khoái khẩu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe trong đó có tăng cân, béo phì. Báo cáo “Phòng chống trẻ thừa cân, béo phì ở trẻ em: Phân tích toàn cảnh và các hành động ưu tiên tại Việt Nam” được UNICEF công bố trong những tháng cao điểm đại dịch Covid-19 (tháng 6/2021) chỉ rõ trẻ em Việt Nam có xu hướng tiêu thụ quá mức đồ uống không lành mạnh, bao gồm nước ngọt có gas. Việc tiêu thụ nhiều nước ngọt đồng nghĩa lượng đường đôi, đường đơn nạp vào cơ thể tăng nhanh hơn, gây ra tình trạng tăng cân khó kiểm soát.

 

Zalo

Ăn không đúng giờ, bỏ bữa: Thời gian giãn cách kéo dài có thể khiến lịch trình, giờ giấc ăn uống của cả gia đình bị đảo lộn. Từ tâm lý để con thoải mái giờ giấc, cha mẹ thường cho phép con ngủ nướng và bỏ bữa sáng. Như vậy, trẻ sẽ bù lại bằng bữa trưa, ăn giữa bữa hoặc bất kỳ lúc nào khi đói, nhất là tối muộn. Việc ăn không đúng giờ, lệch bữa, nhất là ăn vặt vào bữa khuya, khiến trẻ đối mặt nguy cơ thừa cân, béo phì.

 

Zalo

Lười vận động: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ dễ tăng cân vì ít vận động. Việc lười tập thể thao khiến cơ thể mất cân bằng năng lượng vì “nạp” nhiều hơn “tiêu”. Nghiên cứu của Bộ Y tế chỉ rõ có 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM không hoạt động thể chất đúng, đủ tiêu chuẩn. Trong giai đoạn giãn cách, con số này có xu hướng tăng vì điều kiện vận động của trẻ hạn chế hơn:Không gian chật chội, thiếu dụng cụ thể thao cũng như bạn bè - động lực để vui chơi, tập thể lực.

 

Zalo

Thức đêm, ngủ ngày: Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thói quen thức đêm, ngủ ngày là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đối mặt nguy cơ thừa cân, béo phì, bởi hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm. Thế nhưng trong giai đoạn giãn cách, nhiều gia đình cho trẻ ngủ không đúng giờ; thoải mái xem TV, smartphone làm gián đoạn giấc ngủ... Bên cạnh đó, trẻ ngủ ít vào ban đêm dễ gặp cảm giác thèm ăn, tăng nguy cơ béo phì theo thời gian.

 

Zalo

Ít quan tâm đến chỉ số BMI: WHO đánh giá tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ dựa vào chỉ số BMI hoặc chỉ số cân nặng và chiều cao (tùy độ tuổi). Tuy nhiên, không nhiều cha mẹ Việt quan tâm đến chỉ số này. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có khoảng 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân. Do đó, cha mẹ ít can thiệp vào chế độ ăn cũng như thói quen sinh hoạt, khiến trẻ tăng cân nhanh. Nếu phát hiện chỉ số BMI của con quá cao, cha mẹ cần giúp con kiểm soát cân nặng bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, cân đối dinh dưỡng.

Tác giả: vuthihongloan
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: